Kiểm Soát Khí Thải Các Cụm Công Nghiệp: Còn Xem Nhẹ!

Kiểm Soát Khí Thải Các Cụm Công Nghiệp: Còn Xem Nhẹ!
Ngày đăng: 15/04/2020 03:33 PM

     

    Kiểm Soát Khí Thải Các Cụm Công Nghiệp: Còn Xem Nhẹ!

     

         Bên cạnh lợi ích về kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn phát thải từ các cụm công nghiệp (CCN) ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với vấn đề ô nhiễm khí thải, hầu như không có sự quan tâm đầu tư thích đáng.

     

    Đa số các CCN ô nhiễm khí thải nghiêm trọng

     

         Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp  - kiểm soát ô nhiễm khí thải từ CCN ở Việt Nam” nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận về kiểm soát ô nhiễm khí thải và đặc thù CCN, đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại các CCN ở Việt Nam, từ đó, đề xuất được các giải pháp kiểm soát ô nhiễm khí thải hiệu quả nhằm tăng cường công tác BVMT tại các CCN ở Việt Nam. Đề tài tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề kiểm soát ô nhiễm khí thải tại các CCN, do đây là loại hình công nghiệp vừa và nhỏ, có công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị kiểm soát ô nhiễm và quản lý môi trường còn nhiều bất cập và khả năng kinh phí đầu tư cho cải thiện môi trường hạn chế.

     

         Để đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm khí thải tại CCN cụ thể, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học môi trường đã tổ chức điều tra, khảo sát thực tế ở một số CCN nằm trên địa bàn 4 tỉnh: Bắc Ninh (CCN Phong Khê, Mả Ông Đình Bảng), Thừa Thiên - Huế (CCN Thủy Phương), Bình Định (CCN Gò Đá Trắng) và TP. Hồ Chí Minh (CCN Lê Minh Xuân). Tại các địa phương nói trên, đoàn khảo sát đã gặp trực tiếp cơ quan quản lý (UBND huyện/xã, Sở TN&MT, Sở Công Thương, Cơ quan quản lý CCN), doanh nghiệp và người dân để thu thập các thông tin có liên quan đến tình hình ô nhiễm và thực trạng kiểm soát ô nhiễm khí thải tại CCN.

     

     


     

     

         Viện Khoa học môi trường đã tổ chức gửi phiếu điều tra tới UBND huyện/xã, Sở TN&MT, Sở Công Thương, Cơ quan quản lý CCN; doanh nghiệp sản xuất nằm trong CCN; người dân sống xung quanh CCN của các tỉnh/thành phố này để thu thập các thông tin cần thiết. Ngoài ra, các nhà khoa học còn sử dụng các phương pháp  quan trắc, đánh giá, phân tích các thông số gây ô nhiễm môi trường không khí dựa trên các mẫu thu thập hiện trường… Kết quả cho thấy, thực trạng ô nhiễm khí thải tại CCN đối với hai loại hình sản xuất, tái chế giấy và tái chế kim loại là vấn đề cần được quan tâm nhiều nhất với mức độ gây ô nhiễm khá cao. Đối với loại hình sản xuất, tái chế giấy, các chất khí như CO, SO2, Bụi, Cl2 trong khí thải ống khói đều vượt quá giới hạn cho phép so với quy chuẩn Việt Nam, cụ thể: hàm lượng trung bình của CO vượt từ 1,02 - 2,50 lần; SO2 vượt từ 1,23 - 1,42 lần; Bụi vượt từ 3,63 - 4,13 lần; Cl2 vượt từ 1,21 - 1,35 lần so với quy chuẩn cho phép (QCVN 19:2009/BTNMT).

     

         Đối với loại hình tái chế kim loại, các chất khí như SO2, CO, NO2, Bụi, Cu, Zn trong khí thải ống khói vượt quá giới hạn cho phép so với quy chuẩn Việt Nam, cụ thể: hàm lượng trung bình của CO vượt từ 1,3 - 1,4 lần; SO2 vượt từ 2,1 - 3,2 lần; NO2 vượt từ 1,2 - 1,4 lần; Bụi vượt từ 2,6 - 3,6 lần; Cu vượt từ 1,0 - 1,25 lần; Zn vượt từ 1,1 - 1,2 lần so với quy chuẩn cho phép (QCVN 19:2009/BTNMT). Ngoài ra, ô nhiễm mùi cũng là một vấn đề bức xúc tồn tại từ nhiều năm nay chưa được khắc phục.

     

         Đặc biệt, việc thực hiện kiểm soát ô nhiễm khí thải bằng công cụ chính sách, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các hoạt động ĐTM, CKBVMT. Kiểm soát ô nhiễm khí thải bằng công cụ kỹ thuật còn chưa hiệu quả do công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều khí thải. Tại các CCN,  có tới 78,4% các cơ sở sản xuất được điều tra chưa có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.

     

    3 giải pháp căn cơ

     

         Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm khí thải tại các CCN, các nhà khoa học đề xuất 3 giải pháp chính, đó là: Trước hết, cần hoàn thiện các thể chế về bảo vệ môi trường không khí: rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí, cụ thể, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2014, phí BVMT đối với khí thải,… Hoàn thiện tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường không khí ở cấp Trung ương và địa phương. Theo đó khẳng định vai trò của Bộ TN&MT thống nhất quản lý Nhà nước về môi trường không khí.

     

     


     

     

         Đối các Bộ, ngành địa phương phải bổ sung, sửa đổi quy chuẩn Việt Nam về phương pháp quan trắc khí thải. Xây dựng các quy chuẩn khí thải riêng cho từng ngành, từng loại hình cụ thể. Xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin về quản lý khí thải giữa các Bộ, ngành và các địa phương, giữa các khu, CCN.

     

         Đối với các CCN, việc quy hoạch phải được phân theo loại hình sản xuất để dễ dàng quản lý,  đặc biệt, trong việc thu gom chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, phải nâng cao năng lực, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện cần thiết, bố trí nguồn kinh phí để duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát tại các CCN nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm khí thải để xử lý kịp thời, thỏa đáng. Riêng đối với hai loại hình sản xuất tái chế giấy và tái chế kim loại cần áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và thực hiện áp dụng công nghệ xử lý khí thải, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý khí thải theo đúng quy định.

    Đăng ký nhận khuyến mãi

    Chia sẻ với chúng tôi